Tên khoa : Khoa Môi trường
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội
Số điện thoại, 0246 261 7694
Email : moitruong@vnua.edu.vn
Khoa Môi trường được thành lập theo Quyết định số 2151/QĐ-NNH ngày 10/10/2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trên cở sở tách ra từ khoa Tài nguyên & Môi trường. Hiện nay Khoa có 5 bộ môn: Công nghệ môi trường, Hóa học, Quản lý môi trường, Sinh thái Nông nghiệp và Vi sinh vật. Khoa có 3 trung tâm nghiên cứu (Hình 2). Năm 2020, Khoa có 49 GV trong đó có 01 GS, 04 PGS, 24 TS và 20 ThS (trong đó có 06 ThS đang là nghiên cứu sinh). Khoa đào tạo cả bậc Đại học, Cao học và Tiến sĩ ngành Khoa Học Môi trường, ngoài ra, khoa cũng tích cực tham gia đào tạo các ngành của khoa Nông học, Chăn nuôi, Thủy sản, Quản lý đất đai.
|
 |
Sơ đồ tổ chức khoa Môi trường |
Tầm nhìn
Khoa Môi trường đến năm 2025 trở thành một trung tâm xuất sắc về hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới; Phát triển sản phẩm và dịch vụ KHCN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nông nghiệp trong nước, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Sứ mạng
Sứ mạng của Khoa Môi trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề về tài nguyên môi trường nông nghiệp, kết nối với cộng đồng thông qua chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và hội nhập quốc tế.
Giá trị cốt lõi
Chất lượng – Hiệu quả - Sáng tạo (Quality – Efficiency – Creativity)
Chiến lược
- Chiến lược đào tạo: Hoạt động đào tạo của Khoa đảm bảo tính đa ngành, cung cấp được nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng tốt, có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng cao, có năng lực học tập suốt đời, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội đối trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong nông nghiệp và nông thôn.
- Chiến lược phát triển khoa học công nghệ: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp, nông thôn của đất nước. Hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Môi Trường tập trung vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường, ứng dụng nguyên lý sinh thái trong quản lý tài nguyên nhằm nâng cao chất lượng môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ cuộc sống của người dân và nâng cao chất lượng đào tạo.
Các hướng hoạt động KHCN ưu tiên hiện nay bao gồm:
+ Tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai tới sản xuất nông nghiệp và các biện pháp thích ứng;
+ Biến động thảm rừng; chính sách quản lý tài nguyên rừng;
+ Ứng dụng CNSH trong xử lý và phục hồi đất, nước bị ô nhiễm; xử lý và tái chế rác thải, phế phụ phẩm nông công nghiệp;
+ Các giải pháp quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi theo các quy mô và vùng sinh thái;
+ Chế tạo vật liệu có khả năng xử lý tốt các chất hữu cơ, kim loại trong nước từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, thân thiện môi trường;
- Chiến lược phát triển tổ chức: Có hệ thống tổ chức đảm bảo xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất – trang thiết bị) để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu KHCN và thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thành tựu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế của Khoa
Trong 5 năm qua, các cán bộ và giảng viên khoa Môi trường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng không ngừng thực hiện hàng chục đề tài khoa học công nghệ các cấp, xuất bản hàng trăm bài báo trong nước và quốc tế. Nhiều công trình có đóng góp thiết thực cho xã hội như đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh vật nấm rễ đã được Bộ Khoa học & Công nghệ công nhận.
Chỉ tính riêng cho năm hoặc 2018 - 2019, Khoa Môi trường thực hiện 51 đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp gồm:
+ 03 đề tài cấp Nhà nước
+ 02 đề tài cấp bộ
+ 23 đề tài khoa học và công nghệ cấp Học viện;
+ 10 đề tài quốc tế
+ 13 đề tài cấp tỉnh
Năm học 2019-2020, số lượng đề tài của Khoa Môi trường là 55 đề tài, tăng thêm 9% so với năm 2018. Tổng số có:
+ 04 đề tài cấp Nhà nước (Nafosted và chương trình Tây Nguyên)
+ 03 đề tài cấp Bộ
+ 24 đề tài cấp Học viện
+ 12 dự án quốc tế trong đó có 2 đề tài First do ngân hàng Thế Giới tài trợ, 04 đề tài do Vương quốc Bỉ tài trợ.
+ 12 đề tài cấp tính
Trong số các đề tài thực hiện trong 5 năm trở lại đây có một số đề tài có mức độ ảnh hưởng mang tính quốc gia và quốc tế như đề tài I-REDD+ (xây dựng cơ sở phương pháp luận và căn cứ khoa học trong việc phát huy nguồn lực của cộng đồng trong quan trắc và thẩm định chương trình REDD+ ở khu vực Đông Nam Á); đề tài DeltAdapt (chương trình nghị định thư với Đức trong xây dựng giải pháp thích ứng với xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long); dự án ACCCU (chương trình NUFFIC Hà Lan về hỗ trợ lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo tại các trường đại học nông nghiệp ở Việt Nam), dự án xử lý môi trường liên quan tới dịch tả Châu Phi v.v.
Ngoài ra, Khoa cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở Việt Nam như xác định tiềm năng và lập bản đồ sinh khối phục vụ phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên toàn quốc; sản xuất chế phẩm nấm rễ cộng sinh để cải tạo đất bạc màu và phát triển thảm xanh; quy hoạch bãi chôn lấp và chuyển giao công nghệ xử lý rác thải cho các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam v.v. Những kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao chuyển giao công nghệ của Khoa đã góp phần nâng cao vị thế của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong nước cũng như trên trường quốc tế.